Kể từ lúc ra đời, công nghệ blockchain và tiền kỹ thuật số Bitcoin luôn bị hiểu lầm là những công nghệ phủ định sức mạnh của các bên trung gian như ngân hàng. Nhưng trong bài tham luận “Ứng dụng Blockchain trong Tài chính ngân hàng: Cơ hội và thách thức, hành lang pháp lý và kiến nghị”, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã mang đến một góc nhìn mới: blockchain không phủ định vị thế của ngân hàng, mà chính là cơ hội để ngân hàng tiến hóa và thay đổi.
“Tài chính ngân hàng là một ngành nằm trong chuỗi giá trị tiêu biểu bị công nghệ blockchain thách thức phải tiến hoá thay vì hiểu sai là phủ định, và sự thách thức này bao gồm hai phía là ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương”, ông Phan Đức Trung cho biết trong Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính”. Đây là Hội thảo do Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, diễn ra sáng ngày 26/10/2022.
Blockchain không xung đột hay phủ định ngân hàng trung gian
Theo ông Phan Đức Trung, Adam Smith, người xây dựng học thuyết kinh tế thị trường đầu tiên và những tên tuổi như John Keynes, Paul Samuelson, Milton Friedman, Paul Krugman đã góp phần đặt nền móng cho bức tranh tài chính và triết lý kinh doanh mà chúng ta biết hiện tại, với ngân hàng làm trung gian trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự ra đời của Bitcoin khiến chúng ta phải chất vấn lại những triết lý này.
Năm 2008, một cá nhân (hoặc nhóm người) lấy bút danh Satoshi Nakamoto đã công bố whitepaper về hệ thống tiền mã hóa trao đổi dựa trên giao thức ngang hàng, đánh dấu bước chuyển từ kinh tế truyền thống sang những triết lý của nền kinh tế mới. Văn bản dài vỏn vẹn 900 từ này đã tạo ra sự tranh cãi trong thời gian dài vì Satoshi Nakamoto đề xuất có thể loại bỏ các bên trung gian trong giao dịch hai người bằng “cryptographic proof” (bằng chứng mật mã học) để mọi người có thể trao đổi giá trị một cách minh bạch mà không cần phải tin tưởng nhau.
Đến năm 2009, đồng mã hóa Bitcoin dựa trên những ý tưởng mà Satoshi phác thảo chính thức ra đời, nhưng cũng bị nhìn nhận theo hướng tiêu cực suốt một thời gian dài. Nhiều người cho rằng Bitcoin phủ định kinh tế thị trường, tiền pháp định (fiat) của Ngân hàng trung ương, thậm chí bị xem như tài sản xấu, bất hợp pháp.
“Sự tồn tại của Bitcoin khi không có sự hậu thuẫn của bất cứ chính phủ nào trong một thời gian dài (từ năm 2009) cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng đã cho các nhà khoa học, kinh tế học, chính trị nhận ra các giá trị công nghệ đằng sau nó… đó chính là công nghệ blockchain”, ông Phan Đức Trung nhận định.
7 cách mà blockchain có thể tăng sức mạnh cho ngân hàng
Theo thời gian, công nghệ blockchain đã dần chứng minh khả năng có thể kết hợp và tăng cường sức mạnh cho các hoạt động, dịch vụ ngân hàng thay vì loại trừ và thay thế lẫn nhau theo cách hiểu đầy định kiến trước đây. Hiện tại, blockchain được xem là chìa khóa để mở ra vô vàn các xu hướng tài chính mới như NFT, DeFi, Web3 hay CBDC.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group vào cuối năm 2021, có 7 xu hướng ứng dụng blockchain trong ngành tài chính ngân hàng, bao gồm smart contract, token được thế chấp bằng tài sản, ICO, NFT, CBDC, DeFi và Robo-advisor (tư vấn tài chính tự động). Nhiều xu hướng trong số này đã được các ngân hàng Việt Nam như HSBC, Vietcombank, TPBank, Techcom Securities,… nghiên cứu, thử nghiệm.
“NFT là xu hướng dễ tiếp cận nhất hiện nay, tạo ra sự cá nhân hóa token, có thể giải quyết bài toán chữ ký số, công chứng hồ sơ. Ở Việt Nam sắp tới chúng ta sẽ nhìn thấy NFT đi vào cuộc sống và hoạt động đúng luật. DeFi cũng là một xu hướng đang gây tranh cãi vì bị cho rằng tài chính phi tập trung là phủ định các ngân hàng, nhưng tôi tin DeFi sẽ hoàn thiện ngân hàng bằng những lợi ích như giao dịch 24/7… Còn robo-advisor đã và đang được các ngân hàng xem xét trong mảng trading, sàn giao dịch, quản lý tài sản bảo hiểm…”, ông Trung đi sâu vào giải thích từng xu hướng từ blockchain sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành tài chính – ngân hàng khi được ứng dụng trong cuộc sống.
Để tận dụng sức mạnh blockchain trong ngành ngân hàng, cần thiết phải có lộ trình và những bước đi chiến lược hiệu quả, thực tế. Ông chia sẻ: “Đầu tiên, cần cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ ngân hàng dưới góc nhìn ứng dụng blockchain thông quan cơ chế đồng thuận/phê duyệt giao dịch. Thứ hai, là xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain. Thứ ba, là ứng dụng các lợi thế của blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng”.