Ngày 10/05/2023 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức khai trương Trung tâm Sáng tạo Công nghệ Blockchain (NBTIC) tại thành phố Bắc Kinh. Được biết, việc thành lập trung tâm này được phê duyệt bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Theo giới thiệu, NBTIC sẽ làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty để đào tạo 500.000 chuyên gia blockchain.
Bên cạnh việc đào tạo nhân lực, NBTIC còn đặt mục tiêu thành lập một mạng blockchain cấp quốc gia để kết nối các blockchain hiện có tại Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Học viện Điện toán biên và Blockchain Bắc Kinh là đơn vị điều hành NBTIC. Học viện này đã phát triển nền tảng blockchain mã nguồn mở đầu tiên tại Trung Quốc mang tên Chuỗi Trường An (Chang’an Chain). Hồi tháng 01/2023, chính quyền Bắc Kinh đã nhập thông tin từ hơn 80 cơ quan nhà nước vào Chuỗi Trường An để “cải thiện hiệu quả an ninh trật tự của các vấn đề chính quyền và dữ liệu xã hội”.
Động thái ra mắt NBTIC là bước phát triển mới nhất trong kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ blockchain vào các ngành công nghiệp.
Hiện tại, giao dịch tiền mã hóa bị nghiêm cấm tại Trung Quốc đại lục còn NFT được phép giao dịch dưới danh nghĩa bộ sưu tập kỹ thuật số với điều kiện được mua bằng nhân dân tệ và không được bán kiếm lời.
Phát triển blockchain đã trở thành một trọng tâm của chính phủ Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tán thành công nghệ này vào năm 2019. Ông Bình đã nhấn mạnh vai trò của blockchain trong việc thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, tối ưu hóa các quy trình kinh doanh, giúp giảm chi phí hoạt động, cải thiện tính hiệu quả hợp tác cũng như xây dựng một hệ thống đáng tin cậy. Năm 2021, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành kế hoạch 5 năm xác định blockchain là một trong bảy lĩnh vực phát triển chính của nền kinh tế số Trung Quốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết, quốc gia này đang chiếm 84% lượng đơn cấp bản quyền sáng chế cho các công nghệ liên quan đến blockchain trên toàn cầu. Vị quan chức này nói rằng blochain đang tăng tốc hội nhập vào nền kinh tế, các dịch vụ trong đời sống người dân, các thành phố thông minh. Trong khi đó, thành phố Hồng Kông theo đuổi mục tiêu phát triển thế hệ web thứ 3 (Web3) phi tập trung để thay thế cho thế hệ Web 2.0 hiện nay, vận hành dựa trên hệ thống máy chủ tập trung.
Hồng Kông gần đây tìm cách trở thành một trung tâm tài sản ảo với các quy định xem tiền ảo là một loại tài sản mới. Đầu năm nay, chính quyền Hồng Kông đã phân bổ 50 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 6,4 triệu đô la Mỹ) để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Web3 và thành lập một nhóm chuyên trách về tài sản ảo do giám đốc tài chính của thành phố lãnh đạo.
Theo kế hoạch cấp phép bắt buộc mới đối với các sàn giao dịch tiền ảo có hiệu lực vào ngày 01/06/2023 tới, các nhà đầu tư cá nhân sẽ được phép giao dịch các loại tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn như Bitcoin (BTC) và Ether (ETH).
Các động thái trên đã tạo ra niềm lạc quan rằng Hồng Kông có thể trở thành trung tâm ngành công nghiệp tiền ảo của Trung Quốc. Các sàn giao dịch có quan hệ với Trung Quốc đại lục như OKX và Huobi đã công bố kế hoạch xin giấy phép hoạt động tại thành phố này.
Một số chi nhánh Hồng Kông của các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục cũng đã cung cấp dịch vụ cho các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa. Cuối tháng trước, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) ra chỉ thị yêu cầu các ngân hàng địa phương hỗ trợ “nhu cầu hợp pháp về tài khoản ngân hàng” của các doanh nghiệp tài sản ảo đã được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý rằng lập trường chính thức của Bắc Kinh về tiền mã hóa không thay đổi, bất chấp sự phát triển tài sản ảo ở Hồng Kông và nỗ lực thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain.
Zhou Chenggang, Giám đốc Điều hành của CPIC Investment Management Hong Kong, công ty con của tập đoàn bảo hiểm China Pacific Insurance (CPI), cho biết chính sách của Hồng Kông và Trung Quốc đại lục về tiền mã hóa là tách biệt nhau và không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ thay đổi.
Hồi tháng 4, CPIC đã mở hai quỹ liên quan đến blockchain và Web3 nhắm mục tiêu đến các nhà đầu tư tổ chức và giàu có. Tuy nhiên, những quỹ này không phục vụ các nhà đầu tư đại lục và không phải là dấu hiệu cho thấy quy định của Trung Quốc đang thay đổi, Chenggang nói.