Thị trường ứng dụng metaverse toàn cầu được Verified Market Research dự báo đạt 710,21 tỉ USD vào năm 2027. Tỉ lệ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2022-2027 đạt 38,2%. Trong năm 2021, số lượt tải ứng dụng Metaverse toàn cầu đã vượt 200 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng 43,5%. Nửa đầu năm 2022 đã có 170 triệu lượt tải ứng dụng metaverse trên toàn cầu, trong đó lượt tải game xuống đạt 110 triệu lượt, chiếm 67,3%.
Metaverse được xem là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp game tại Việt Nam bởi theo Google hiện nay Việt Nam là nước đứng số một khu vực về số lượng game phát hành cũng như các nhà phát triển game. Một số game blockchain thành công của Việt Nam có thể kể đến như Axie Infinity của Sky Mavis, Whydah của Trí Phạm, Sipher của Nguyễn Trung Tín, DeFiHorse, Ancient8, HeroVerse…
Ông Phạm Hồng Quân, đồng sáng lập công ty cổ phần OneSoft, chia sẻ trong sự kiện Vienam Gaming Summit 2022 của Meta: “Tuy metaverse vẫn còn là một khái niệm mới nhưng Việt Nam đã bắt kịp rất nhanh với xu hướng này. Bằng chứng là năm 2021 đã chứng kiến sự thành công từ tựa game Axie Infinity của Sky Mavis.
Nếu đi đúng hướng và sẵn sàng đầu tư, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tiếp tục đứng đầu thị trường phát triển game ở Đông Nam Á, vượt xa Indonesia và Thái Lan về cả số nhà phát hành và số lượng game trên metaverse”.
Ông Thái Thanh Liêm, giám đốc điều hành và nhà sáng lập Topebox đồng quan điểm: “Metaverse sẽ đem tới cho người chơi sự tự do khi được quyết định luật chơi, thay vì phải làm theo luật từ các nhà phát triển. Game metaverse sẽ đem lại những trải nghiệm không thể có ở thế giới thực, ví dụ như tương tác 3D di động, thu hẹp khoảng cách địa lý, đưa ký ức và trí tuệ vào trong thế giới ảo… Metaverse sẽ giúp ngành game được nhìn nhận bằng con mắt khác hơn chứ không chỉ là giải trí.”
Theo nghiên cứu của Ernst & Young, metaverse là trung tâm của ngành công nghiệp game trong tương lai. Ngoài ra, báo cáo nhận định metaverse sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của các công ty game, thúc đẩy doanh thu và mang đến những cơ hội mới.
Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều rào cản khi tiếp cận, xây dựng một metaverse. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là về chi phí và sự sẵn có của thiết bị.
Ông Mai Văn Ninh – giám đốc của NFT Games, thuộc tập đoàn VNG, cho rằng: “Kính thực tế ảo vẫn là một sản phẩm đắt đỏ và chưa hấp dẫn, thân thiện với đại đa số người dùng hiện nay. Thời gian dùng kính chỉ vào khoảng 30 – 45 phút đã khiến nhiều người chóng mặt.
Tiếp theo chính là việc đón nhận của người dùng lẫn các nhà đầu tư. Các nhà phát triển game metaverse cần một nguồn vốn và nhân lực lớn mới có thể xây dựng được một ứng dụng, nhưng chưa biết có được người dùng đón nhận hay không.”
Ông Đào Quang Tuấn, phó tổng giám đốc mảng Kinh doanh game tại Funtap bổ sung: “Độ trễ của internet hiện nay cũng chưa chắc đã đáp ứng được một trải nghiệm mới mà metaverse có thể mang lại.
Để thúc đẩy sự phát triển của metaverse, trước hết chúng ta cần phải tạo ra một tiêu chuẩn chung cho ngành. Đây là một thách thức lớn và cần sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cũng như các nhà nước.”