Bên cạnh Bitcoin vốn thu hút các nhà đầu tư và giao dịch tiền tệ, còn xuất hiện nền tảng Ethereum hướng tới cộng đồng doanh nghiệp với các tính năng nhằm tạo ra không chỉ tiền mã hoá mà cả một hệ sinh thái các ứng dụng dựa trên blockchain nhằm giải quyết mọi giao dịch một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm, an toàn và công khai. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích vào Ethereum và sự “tiến hóa” của blockchain thành hợp đồng thông minh, tính năng của Ethereum.
Ethereum là gì?
Theo Wikipedia, “Ethereum là một nền tảng điện toán có tính chất phân tán, công cộng, mã nguồn mở dựa trên công nghệ blockchain”.
Nếu blockchain của Bitcoin chỉ ghi lại các giao dịch tài chính, thì Ethereum là một blockchain được khái quát hoá cho mọi người có thể sử dụng riêng bằng cách chạy mã của các ứng dụng tạo ra trên Ethereum. Mỗi khối của Ethereum có thể được xem như các máy ảo, chạy các nghiệp vụ. Giao dịch được định nghĩa là khi người dùng sử dụng các nghiệp vụ đó.
Những điểm khác biệt cơ bản giữa Bitcoin và Ethereum
Ethereum giao dịch nhanh hơn Bitcoin do sử dụng giao thức Ghost (Greedy Heaviest Observed Subtree). Thời gian để tạo một khối Ethereum mới là 14 tới 15 giây thay vì 10 phút để tạo một khối Bitcoin mới.
Ethereum có sự khác biệt về chi phí giao dịch. Phí giao dịch của Ethereum được tính dựa trên khối lượng tính toán, băng thông, lưu trữ. Còn phí giao dịch Bitcoin bị cạnh tranh trực tiếp với nhau để vào được khối của Bitcoin mà bị giới hạn.
Ethereum hỗ trợ công nghệ đào coin khác so với Bitcoin. Số lượng Bitcoin bị giới hạn ở mức 21 triệu với phần thưởng giảm còn một nửa sau mỗi 04 năm. Trong Ethereum, phần thưởng cho tạo ra khối qua các năm là như nhau và là vô hạn.
Ethereum cho phép chạy mã Turing-complete, cho phép mọi tính toán được thực thi nếu có đủ khả năng và thời gian tính toán. Tuy nhiên điều này Ethereum có nhiều rủi ro bị tấn công hơn so với cấu trúc đơn giản hơn của Bitcoin. Bitcoin đã có một lịch sử chưa bao giờ can thiệp vào dữ liệu trên sổ cái. Còn Ethereum đã phải chia nhánh sau khi DAO bị tấn công.
DAO (Decentralized Autonomous Organizations) là một tổ chức phi tập trung, tự chủ hoàn toàn không có lãnh đạo đơn lẻ. DAO được điều hành bởi mã lập trình, trên một tập hợp các hợp đồng thông minh được viết trên nền tảng blockchain Ethereum. Mã này được thiết kế để thay thế các quy tắc và cấu trúc của một tổ chức truyền thống, giảm thiểu sự kiểm soát tập trung. DAO thuộc sở hữu của tất cả những người mua token, nhưng thay vì mỗi token tương đương với cổ phần và quyền sở hữu, token đóng vai trò góp phần mang lại cho người sở hữu nó quyền biểu quyết.
Lịch sử hình thành Ethereum
Ethereum được nhắc đến lần đầu tiên trong một tài liệu của Vitalik Buterin vào năm 2013 với lập luận Bitcoin cần một ngôn ngữ kịch bản để phát triển ứng dụng. Tháng 01/2014, nhóm chủ chốt của Ethereum bao gồm Vitalik Buterin, Mihai Alisie, Anthony Di Iorio, và Charles Hoskinson bắt đầu phát triển nền tảng Ethereum tại công ty tư nhân có tên gọi là Ethereum Switzerland GmbH. Đến ngày 30/07/2015, họ đã khởi động thành công hệ thống Ethereum. Để tri ân các nhà tài trợ cho công ty, 11,9 triệu đồng Ether (ETH) đã được đào sẵn và bán lại cho những nhà tài trợ đó.
Sau đó, tổ chức phi lợi nhuận Ethereum Foundation cũng được thành lập tại Thụy Sĩ. Tổ chức này đã tăng quy mô thành viên trong năm 2018 (với 86 thành viên mới được thêm vào trong tháng 05/2018), trải dài trên một khoảng rộng của nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Merck, ING, Broadridge, Stаtе Strееt, Tоуоtа, và Rаbоbаnk đã tham gia vào nhóm tìm hiểu các công nghệ blockchain để thực hiện hợp đồng thông mình trong các công ty Fortune 500.
Ethereum sử dụng đồng tiền riêng gọi là Ethereum (gọi tắt là ETH) để trả phí giao dịch và sử dụng dịch vụ trên mạng Ethereum. Nếu so sánh với Bitcoin như là tiền mặt, tiền giấy thì Ethereum là tiền có gắn chip.
Hợp đồng thông minh (smart contract)
Có thể nói hợp đồng thông minh là sự “tiến hóa” của blockchain. Bitcoin là chính là ứng dụng hợp đồng thông minh cơ bản, trong đó tiền được chuyển từ người giao dịch này sang người giao dịch khác. Còn với Ethereum, hợp đồng thông minh được phát triển lên một tầng cao hơn, trở thành nghiệp vụ nền tảng chạy trên Ethereum, từ đó các ứng dụng chạy chính xác, không gặp lỗi gián đoạn hoạt động, giả mạo hoặc bị can thiệp bởi bên thứ ba.
Bằng cách loại bỏ các bên trung gian ra khỏi giao dịch, hợp đồng thông minh giúp khắc phục tồn tại các bất cập về bảo mật, pháp lý, kiểm duyệt hay gian lận có thể gây những tổn thất lớn về tiền bạc, thời gian và nhân lực khi thực hiện các dịch vụ trung gian.
Cơ chế hoạt động của hợp đồng thông minh
Về bản chất kỹ thuật, hợp đồng thông minh có thể xem như chứa một đoạn lệnh điều kiện dạng If-Else. Nghĩa là, các bên liên quan có thể mở hợp đồng thông minh, chạy đoạn lệnh đó, xem là hiện tại đầu vào đã đúng điều kiện hợp đồng chưa. Đầu vào ở đây có thể là bất cứ thứ gì, phụ thuộc vào mục đích thiết kế của hợp đồng thông minh (các ứng dụng).
Ví dụ, trường hợp triển khai nghiệp vụ về thực hiện thủ tục hành chính theo hình thức hợp đồng thông minh: đầu tiên, ứng dụng thực hiện thủ tục hành chính sẽ kiểm tra các điều kiện về đối tượng và yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính. Đầu vào sẽ là đơn, tờ khai và các giấy tờ đi kèm. Tiếp đó nếu đáp ứng đủ điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (kiểm tra đoạn lệnh If-Else), sẽ tự động được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Một trường hợp khác: một công ty muốn kêu gọi vốn đầu tư, họ đặt ra giới hạn là đến 01/01/2019 sẽ ra mắt sản phẩm. Nếu nhà đầu tư góp 100.000 đồng thì sẽ được mua sản phẩm đó với giá gốc. Nếu tổng mức kêu gọi đầu tư đạt 1 tỉ đồng thì công ty sẽ đưa ra sản phẩm đúng thời hạn. Nếu không đạt 1 tỉ đồng thì nhà đầu tư sẽ được hoàn tiền, dự án sẽ huỷ và các bên hết trách nhiệm với nhau.
Như vậy, sẽ cần có bên trung gian để giữ tiền của nhà đầu tư và bảo lãnh (hoặc giữ tiền) cho công ty. Mục đích để khẳng định sự ràng buộc giữa công ty và nhà đầu tư. Giờ, nếu blockchain được ứng dụng thì hợp đồng thông minh chính sẽ áp dụng để đảm nhận cơ chế trung gian. Vì blockchain và hợp đồng thông minh luôn rõ ràng, các điều khoản hợp đồng sẽ được thực thi chính xác như mong muốn mà không bị kiểm duyệt, lừa đảo hay sự can thiệp từ bên thứ ba trung gian.
Điểm khác biệt giữa hợp đồng thông minh và hợp đồng luật pháp
Cách hiểu giữa người và máy: logic của hợp đồng thông minh là những quy tắc đơn giản, cố định và xác định (không có ngoại lệ) mà máy móc có thể hiểu, kiểm tra, thực thi (giống như máy bán hàng tự động nhận tiền, xuất ra hàng hoá và trả lại tiền thừa). Hợp đồng luật pháp gồm mối quan hệ giữa các bên và có thể hiểu khác nhau tuỳ theo bối cảnh, hoàn cảnh, tiền lệ và các yếu tố chủ quan như các chủ thể tham gia hợp đồng, luật sư.
Mọi trường hợp xử lý hợp đồng thông minh đều phải xác định tường minh bằng các điều kiện lập trình (dạng có/không). Trong khi việc xử lý hợp đồng luật pháp còn có thể bị chi phối bằng các chủ thể khác, quy trình khác không thể hiện cụ thể trong hợp đồng (ví dụ như khiếu kiện, cơ quan thi hành pháp luật).
Ứng dụng của hợp đồng thông minh
Do hợp đồng thông minh không cần bên trung gian (có thể thiếu khách quan trong quá trình thực hiện hợp đồng), nên nó có thể ứng dụng vào các hoạt động:
Chia sẻ tiền: Thực hiện thông qua một hợp đồng chia sẻ ví chung. Hợp đồng này sẽ xác lập các chính sách quản lý tiền trong ví, như: danh sách người nhận tiền, điều kiện nhận tiền, hạn mức chi tiêu…
Bầu cử: Bằng cách mã hoá chính sách bầu cử vào hệ thống, cử tri bầu cử bằng cách thực hiện giao dịch để xác nhận phiếu bầu. Do blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu và bảo vệ bí danh người thực hiện giao dịch nên hệ thống bầu cử sẽ không thể thay đổi lựa chọn của cử tri hay tiết lộ cho người khác. Kết quả bỏ phiếu có thể được kiểm tra và xác nhận công khai. Gian lận bầu cử trở nên không khả thi do không có lỗ hổng nào để xâm nhập.
Trao đổi tiền mã hoá: Mạng lưới các hợp đồng thông minh và công nghệ blockchain với đặc tính phi tập trung/phân quyền có thể giúp vận hành cả hệ thống trao đổi tiền mã hoá.
Bảo hiểm: Giao kèo giữa các bên tham gia bảo hiểm được thiết lập qua hợp đồng thông minh. Khi xảy ra trường hợp đòi bồi thường bảo hiểm thì sẽ tự động kiểm tra theo các điều khoản giao kèo và thực hiện bồi thường mà không phải chờ làm thủ tục và duyệt yêu cầu bảo hiểm nữa. Ví dụ khi có thiên tai xảy ra, thì khu vực xảy ra thiên tai và mức độ thiệt hại sẽ được tự động phát hiện và tiền bồi thường sẽ tự động được chuyển cho các nạn nhân.
Chia sẻ phương tiện giao thông: Nhờ tính chất tự vận hành của hợp đồng thông minh, blockchain và kết hợp các thiết bị kết nối Internet. Ví dụ, có thể thiết lập các hợp đồng thông minh về thuê xe, tự động tính cước, trừ tài khoản khi đến nơi… Bằng cách tự động chuyển tiền đến nhà cung cấp dịch vụ, chiếc xe có thể tự trả tiền xăng, bảo dưỡng mà không cần thao tác của chủ sở hữu.
Thanh toán bản quyền: Người sở hữu bản quyền sẽ công khai thông tin bản quyền lên blockchain. Chính sách sử dụng bản quyền tác phẩm sẽ được thiết lập trong hợp đồng thông minh và mỗi khi tác phẩm của họ được sử dụng thì chính sách sử dụng sẽ được tuân thủ và thực hiện tức thời.
Trong Internet Vạn Vật (IoT/Internet of Things): Trong hệ thống vận chuyển hàng hóa, các cảm biến dùng để theo dõi vị trí của hàng hoá có thể lưu vị trí của hàng hoá vào hợp đồng thông minh, đảm bảo người gửi, người nhận có thể xác định vị trí món đồ và đảm bảo ko bị thất lạc.
Những cách xây dựng blockchain của các công ty
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp sẽ điều hành quy trình kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain của riêng họ.
Private Blockchain (blockchain riêng): Các công ty lớn sẽ tổ chức hình thành quy trình kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain riêng. Nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ sẽ được đảm bảo truy cập vào chuỗi khối blockchain đó thông qua các giao dịch các giao dịch được mã hóa mạnh mẽ.
Consortia Blockchain (blockchain liên kết): Nhiều công ty sẽ bắt đầu xây dựng nhưng blockchain liên kết từ dưới lên với một số đối tác trong hệ sinh thái của họ cùng cộng tác trong một số trường hợp sử dụng nhằm mục đích chia sẻ hạ tầng cung ứng, chuỗi cung ứng hoặc chuỗi giá trị.
Public blockchain (blockchain công cộng): Một số công ty sẽ triển khai những Ethereum công cộng, trong một vài trường hợp cụ thể, họ sẽ sử dụng các thành phần của blockchain đã được mua hoặc xây dựng trước đó để thực hiện những hoạt động trên nền tảng Ethereum của riêng họ.
Như vậy, nếu nói Bitcoin là sự khởi đầu của blockchain và tiền mã hoá, thì Ethereum là cách nó sẽ được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Bitcoin có thể là trường hợp lý tưởng để xử lý các giao dịch tiền số Bitcoin, nhưng nó bị giới hạn trong việc xử lý các dữ liệu khác, đặc biệt là các tài liệu.
Nhưng với Ethereum thì vấn đề này được khắc phục phần lớn. Ethereum là nền tảng tiên tiến nhất để xử lý các hợp đồng thông minh. Với tiềm năng của mình, hợp đồng thông minh đã và đang thúc đẩy một sự thay đổi cơ bản từ mạng thông tin, mà trong mạng thông tin đó chúng ta có thể xem, trao đổi và truyền đạt thông tin ngay tức thì với mạng giá trị, mà với mạng giá trị này con người có thể trao đổi giá trị ngay lập tức mà không thông qua bất kỳ bên trung gian nào.