Đêm ngày 10/03/2023 (theo giờ Việt Nam), Sở Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California đã ra lệnh đóng cửa Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất tại Hoa Kỳ với 40 năm tuổi. Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) được chỉ định là đơn vị tiếp nhận. FDIC sau đó đã thành lập Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara (DINB) để nắm giữ các khoản tiền gửi được bảo hiểm từ SVB.
Thông cáo báo chí của FDIC cho biết, những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền truy cập vào các tài khoản tiền gửi của họ muộn nhất là vào sáng thứ Hai (13/03/2023, theo giờ California). Các văn phòng chi nhánh của SVB cũng sẽ mở cửa trở lại vào thời điểm đó, dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Đồng thời, các cuộc kiểm tra chính thức của SVB sẽ tiếp tục được thực hiện.
Theo FDIC, tính đến ngày 31/12/2022, SVB có tổng tài sản khoảng 209 tỉ USD và tổng tiền gửi khoảng 175,4 tỉ USD. Tại thời điểm đóng cửa, các cơ quan quản lý chưa xác định được số tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm. Số tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được xác định thêm sau khi FDIC thu thập thêm thông tin từ ngân hàng và khách hàng.
Đế chế 40 năm tuổi sụp đổ
Cho tới thứ Tư, Silicon Valley Bank (SVB) vẫn là một tổ chức đầy uy tín và có vốn hoá tốt đang tìm cách huy động vốn. Nhưng trong vòng 48 giờ, một cơn “hoảng loạn” gây ra bởi chính cộng đồng đầu tư mạo hiểm mà SVB đã phục vụ và nuôi dưỡng đã chấm dứt 40 năm hoạt động của ngân hàng.
“Vòng xoáy” khủng hoảng của SVB bắt đầu vào cuối ngày thứ Tư, khi ngân hàng này thông báo cần huy động 2,25 tỉ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Thông tin này dường như đã gây sốc cho các nhà đầu tư, khi họ nhanh chóng bán tháo cổ phiếu SVB và khiến giá trị cổ phiếu ngân hàng này “cắm đầu” lao dốc tới 60% trong phiên giao dịch thứ Năm.
Tiếp theo đó là sự sụp đổ nhanh chóng của một ngân hàng từng rất được ưa chuộng trong giới công nghệ nói chung và crypto nói riêng.
Các khách hàng của SVB cho biết họ không còn niềm tin dù Giám đốc Điều hành Greg Becker kêu gọi “giữ bình tĩnh” vào chiều thứ Năm, khi cổ phiếu công ty kết phiên giao dịch với mức giảm 60%. Theo những nhà đầu tư này, điều quan trọng là CEO Becker không thể đảm bảo với mọi người rằng đợt tăng vốn này sẽ là lần cuối cùng của ngân hàng.
Đến cuối ngày thứ Năm, các khách hàng đã rút khoản tiền gửi lên tới 42 tỉ USD khỏi Silicon Valley Bank. Số dư tiền mặt của SVB cho tới thời điểm đó là âm 958 triệu USD và không thể huy động đủ tài sản thế chấp từ các nguồn khác, theo các cơ quan quản lý Hoa Kỳ.
Đến thứ Sáu, theo thông tin từ phóng viên của CNBC, khi cổ phiếu của SVB tiếp tục giảm, ngân hàng đã từ bỏ nỗ lực bán cổ phiếu. Thay vào đó, họ chuyển sang tìm kiếm một người mua tiềm năng. Nhưng việc khách hàng rút toàn bộ số tiền gửi và tình hình tài chính khó khăn khiến việc tìm kiếm một người chủ mới trở nên khó khăn hơn, và cuối cùng cũng thất bại.
Trong ngày thứ Sáu, một số khách hàng của SVB đã nhận được email đảm bảo với họ rằng “hoạt động kinh doanh vẫn bình thường” tại ngân hàng.
“Tôi chắc rằng bạn đã nghe một số tin đồn về SVB trên thị trường hiện nay nên muốn liên hệ để cung cấp một số thông tin. Đó là hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường tại SVB. Có thể hiểu được rằng bạn có thể có câu hỏi và tôi luôn sẵn sàng nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm nào”, trích một bức thư mà khách hàng SVB nhận được.
Nhưng rồi, cũng cùng ngày hôm đó, Sở Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California đã ra quyết định đóng cửa SVB và thu giữ tiền gửi của ngân hàng này, chính thức tạo ra vụ phá sản ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và lớn thứ hai từ trước đến nay trong lịch sử ngành ngân hàng nước này.
SVB sụp đổ vì lý do gì?
Nguồn gốc vụ phá sản của SVB bắt nguồn từ sự “lệch pha” được thúc đẩy bởi tỉ lệ lãi suất cao hơn. Khi các công ty khởi nghiệp rút tiền gửi để giữ cho công ty của họ tồn tại trong một môi trường kinh tế ảm đạm, ít các đợt IPO và huy động vốn tư nhân, thì SVB bắt đầu thiếu vốn.
Đồng thời, nhu cầu về vốn mới của SVB cũng trở nên cấp thiết sau sự sụp đổ của ngân hàng tiền điện tử Silvergate. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) cho rằng sự sụp đổ của Silvergate có khả năng khiến nguồn tiền gửi tại SVB của các công ty khởi nghiệp bị “đóng băng” hoặc không thể huy động được, sau đó đã gửi email hướng dẫn các công ty này rút tiền gửi khỏi SVB.
Ngân hàng này đã buộc phải bán tất cả trái phiếu với khoản lỗ 1,8 tỉ USD, sau đó lên tiếng huy động vốn mới, và điều tồi tệ nhất đã xảy ra.
Ryan Falvey, một cựu nhân viên của SVB, người đã thành lập quỹ của riêng mình (Restive Ventures) vào năm 2018, đã chỉ ra bản chất liên kết chặt chẽ của cộng đồng đầu tư công nghệ là lý do chính dẫn đến sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng.
Theo ông Falvey, các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi bật bao gồm Union Square Ventures và Coatue Management đã gửi email tới toàn bộ danh sách các công ty khởi nghiệp của họ trong những ngày gần đây, hướng dẫn họ rút tiền ra khỏi SVB vì lo ngại ngân hàng sẽ rút tiền. Ông lưu ý rằng các phương tiện truyền thông xã hội cũng làm tăng thêm sự hoảng loạn của người gửi tiền khi liên tục đưa tin về tình hình tại SVB.
“Khi bạn nói: Này, rút tiền đặt cọc của bạn ra, thứ này sẽ thất bại, điều đó giống như việc báo cháy trong một nhà hát đông đúc”, ông Falvey nói.
Falvey, người bắt đầu sự nghiệp của mình tại Wells Fargo, nói rằng phân tích của ông về bản cập nhật giữa quý của SVB đã mang lại cho ông sự tự tin, rằng đây là một ngân hàng được vốn hóa tốt và có thể đảm bảo an toàn cho tất cả những người gửi tiền. Ông thậm chí còn khuyên các công ty trong danh mục đầu tư của mình nên giữ tiền của họ tại SVB khi có tin đồn.
Giờ đây, cuộc khủng hoảng kết thúc bằng việc SVB bị đóng cửa, những người gửi tiền ở lại với SVB phải đối mặt với khoảng thời gian vô định trước khi có thể lấy lại tiền của mình. Mặc dù tiền gửi được bảo hiểm dự kiến sẽ nhanh chóng được cung cấp trở lại, nhưng số tiền gửi không được bảo hiểm chưa được xác định và không rõ khi nào chúng sẽ được giải phóng.