Tính thanh khoản là gì?
Tính thanh khoản (liquidity) là một thuật ngữ trong lĩnh vực tài chính được định nghĩa là khả năng mua hoặc bán các tài sản trên thị trường mà không tạo ra sự thay đổi lớn đến giá của tài sản. Hiểu đơn giản, tính thanh khoản thể hiện khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc sản phẩm nào đó.
Khả năng thanh khoản là một tiêu chí quan trọng để các tổ chức tín dụng đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.
Ví dụ: Tiền mặt là một loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì tiền có thể sử dụng để mua bán trao đổi tất cả các loại hàng hoá trên thị trường. Bên cạnh đó, các tài sản như bất động sản, máy móc, nhà xưởng… có tính thanh khoản thấp hơn do khi chuyển đổi các tài sản này thành tiên cần mất một khoảng thời gian nhất định để tìm người giao dịch có nhu cầu tương ứng.
Tính thanh khoản có thể được sử dụng trong hai lĩnh vực khác nhau là thị trường thanh khoản và tài sản thanh khoản. Thị trường thanh khoản nghĩa là luôn có các nhà đầu tư sẵn sàng giao dịch trong thị trường. Tài sản thanh khoản là một tài khoản có thể được dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt.
Ý nghĩa của thanh khoản trong thị trường crypto
Tương tự như thị trường tài chính truyền thống, thị trường crypto (tiền mã hóa) cũng có yêu cầu về tính thanh khoản.
Để có thể mua bán token một cách nhanh chóng mà không cần phải giảm giá hay mất thời gian giao dịch thì thị trường mà bạn đang giao dịch phải thanh khoản. Nói cách khác, thị trường đó phải có nhiều hoạt động giao dịch và sự chênh lệch giữa giá đặt mua và giá chào bán không quá lớn.
Ví dụ
Bình có 5 token COINZ và giá của các token này đã tăng trong vài ngày qua. Bình vui mừng và quyết định bán tất cả các token của mình ở mức giá thị trường hiện tại.
Nếu thị trường thanh khoản, nghĩa là có đủ số người mua sẵn sàng mua các token của Bình ở mức giá mà anh ấy mong muốn, thì Bình có thể nhanh chóng bán các tài sản của mình và bán ở giá mà anh ấy muốn. Giao dịch của Bình không ảnh hưởng đến giá token vì thị trường đủ thanh khoản để thực hiện giao dịch của Bình.
Tuy nhiên, nếu Bình yêu cầu bán 5 token của mình ở giá thị trường hiện tại và thị trường không thanh khoản hoặc có tính thanh khoản thấp, nghĩa là không có đủ số người mua sẵn sàng mua các token của Bình ở mức giá mà anh ấy mong muốn, anh ấy buộc phải hạ giá bán hoặc đợi đến khi thị trường thanh khoản hơn để có thể bán các token của mình. Nếu Bình quyết định giảm giá, giao dịch của anh ấy cũng ảnh hưởng đến giá thị trường hiện tại của token.
Làm thế nào để biết thị trường có thanh khoản hay không?
Tính thanh khoản vô cùng quan trọng khi cân nhắc các giao dịch của bạn trong thị trường crypto. Đây là một trong những yếu tố chính để có thể dễ dàng gia nhập hay thoát khỏi thị trường.
Khi đánh giá một thị trường là thanh khoản hoặc không thanh khoản, nên nhìn vào ba chỉ số quan trọng: khối lượng giao dịch trong 24 giờ, chiều sâu của sổ lệnh và độ chênh lệch giữa giá bán và giá mua (hay còn gọi là khoảng cách giữa giá mua/giá bán).
Tuy nhiên, sổ lệnh không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác vì các yếu tố như các lệnh dừng – giới hạn và các lệnh tảng băng trôi, các lệnh này được tạo ra bằng cách sử dụng tự động giao dịch và do vậy chỉ xuất hiện trên sổ lệnh khi các điều kiện cụ thể cho các lệnh đó được đáp ứng.