Voyager Digital, đơn vị vận hành nền tảng cho vay tiền điện tử Voyager, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa Phá sản Hoa Kỳ ở New York. Không giống như Three Arrows Capital xin bảo hộ phá sản theo Chương 15, Voyager Digital xin bảo hộ phá sản theo Chương 11, Luật Phá sản Hoa Kỳ do ba thực thể cùng đứng tên là Voyager Digital Holdings, Voyager Digital LLC và Voyager Digital, Ltd.
Trước khi tiến hành nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Voyager Digital đã ngừng các hoạt động gửi, rút tiền và giao dịch của khách hàng từ ngày 02/07/2022.
Thông báo của Voyager Digital cho biết, công ty này hiện có 110 triệu USD tiền mặt và tiền điện tử để cung cấp thanh khoản hàng ngày trong quá trình nộp đơn phá sản theo Chương 11. Bên cạnh đó, công ty này còn có 350 triệu USD tiền mặt trong tài khoản Vì Lợi ích của Khách hàng (For Benefit of Customers/FBO) tại Ngân hàng Thương mại Metropolitan. Ngoài ra, Voyager còn có hơn 1,3 tỉ USD tiền điện tử trên nền tảng và 650 triệu USD “nợ khó đòi” từ Three Arrows Capital.
Nguyên nhân dẫn đến việc Voyager Digital phải nộp đơn xin phá sản là công ty này bị Three Arrows Capital “quịt nợ” khoản vay trị giá hơn 650 triệu USD, bao gồm 15.250 BTC và 350 triệu USDC. Theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng thì khoản vay của Three Arrows Capital không có tài sản bảo chứng, do đó Voyager có nguy cơ mất trắng khi Three Arrows Capital phá sản và không thể trả nợ.
Để phục vụ thanh khoản sau khi bị Three Arrows Capital quịt nợ, ngày 18/06/2022, Voyager Digital đã vay 200 triệu USD/USDC cùng 15.000 Bitcoin (BTC) với tổng giá trị là khoảng 485 triệu USD từ Alameda Research. Khoản vay này sẽ đáo hạn vào ngày 31/12/2024 với lãi suất là 5%/năm.
Chương 11, Luật Phá sản Hoa Kỳ là chương quy định hình thức phá sản liên quan đến việc tổ chức lại các công việc kinh doanh, các khoản nợ và tài sản của con nợ. Các công ty thường nộp đơn phá sản theo Chương 11 nếu họ cần thời gian để cơ cấu lại các khoản nợ của mình. Phá sản theo Chương 11 này mang lại cho con nợ một “khởi đầu mới”. Tuy nhiên, các điều khoản phụ thuộc vào việc con nợ hoàn thành nghĩa vụ của mình theo kế hoạch tổ chức lại.
Trong quá trình tố tụng theo Chương 11, tòa án sẽ giúp doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ và nghĩa vụ của mình. Trong hầu hết các trường hợp, công ty vẫn hoạt động.
Doanh nghiệp đang trong quá trình nộp đơn Chương 11 có thể tiếp tục hoạt động. Trong hầu hết các trường hợp, con nợ, được gọi là “con nợ sở hữu”, điều hành công việc kinh doanh như bình thường. Tuy nhiên, trong các trường hợp liên quan đến gian lận, không trung thực hoặc kém năng lực, người được tòa án chỉ định (quản tài viên) sẽ tiến hành điều hành công ty trong toàn bộ quá trình hoàn thành thủ tục phá sản.
Doanh nghiệp không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào mà không có sự cho phép của tòa án, bao gồm việc bán tài sản (ngoại trừ hàng tồn kho), việc bắt đầu hoặc chấm dứt hợp đồng cho thuê, và ngừng hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. Tòa án cũng có quyền kiểm soát các quyết định liên quan đến việc thuê và trả tiền cho luật sư cũng như ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp.
Trong Chương 11, doanh nghiệp nộp đơn có quyền là chủ thể đầu tiên đề xuất một kế hoạch tổ chức lại. Kế hoạch này có thể bao gồm việc giảm quy mô hoạt động kinh doanh để giảm chi phí, cũng như việc thương lượng lại các khoản nợ, trong một số trường hợp bao gồm cả việc thanh lý tất cả tài sản để trả nợ cho các chủ nợ. Nếu kế hoạch có tính khả thi và công bằng, tòa án sẽ chấp nhận và các bước tiếp theo sẽ được triển khai.