Vào lúc 21:14 vừa qua (ngày 11/11/2022, theo giờ Việt Nam), FTX Trading Ltd. (FTX.com) thông báo, công ty này và West Realm Shires Services Inc. (FTX US), Alameda Research Ltd. và khoảng 130 công ty liên kết (gọi chung là FTX Group) đã tự nguyện nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 Luật Phá sản Hoa Kỳ lên Tòa án Liên bang tại quận Delaware, tiểu bang Pennsylvania.
FTX Group lý giải rằng họ tự nguyện nộp đơn xin bảo hộ phá sản để bắt đầu một quy trình có trật tự nhằm xem xét và kiếm tiền từ tài sản vì lợi ích của tất cả các cổ đông liên quan trên toàn cầu.
Đồng thời với việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản, FTX Group cũng thông báo thay đổi Giám đốc Điều hành. Theo đó, ông John J. Ray III được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành thay cho ông Sam Bankman-Fried. Ông Sam Bankman-Fried vẫn sẽ ở lại FTX Group để hỗ trợ quá trình chuyển đổi một cách có trật tự.
Cũng theo thông báo của FTX Group, bốn công ty con LedgerX LLC, FTX Digital Markets Ltd., FTX Australia Pty Ltd. và FTX Express Pay Ltd. không có mặt trong danh sách các công ty xin bảo hộ phá sản.
Cho bạn nào chưa biết: FTX Group từng sở hữu sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới trước khi gặp khủng hoảng thanh khoản cách đây vài ngày. Nguyên nhân chính dẫn đến việc người dùng rút tài sản khỏi FTX là do trang CoinDesk đăng tải bảng cân đối tài chính phơi bày lỗ hổng tài chính của FTX và Alameda Research.
Sau đó, ông Triệu Trường Bằng, Giám đốc Điều hành Binance, châm ngòi cho cú sập của FTX bằng tuyên bố bán số token FTT mà họ đang nắm giữ để “quản lý rủi ro”. Tuyên bố của ông Bằng dẫn đến làn sóng tháo chạy và rút tài sản khỏi sàn giao dịch FTX.com khiến sàn giao dịch này bị khủng hoảng thanh khoản và đã phải ngừng hoạt động rút tài sản ra ví bên ngoài.
Chương 11, Luật Phá sản Hoa Kỳ là chương quy định hình thức phá sản liên quan đến việc tổ chức lại các công việc kinh doanh, các khoản nợ và tài sản của con nợ. Các công ty thường nộp đơn phá sản theo Chương 11 nếu họ cần thời gian để cơ cấu lại các khoản nợ của mình. Phá sản theo Chương 11 này mang lại cho con nợ một “khởi đầu mới”. Tuy nhiên, các điều khoản phụ thuộc vào việc con nợ hoàn thành nghĩa vụ của mình theo kế hoạch tổ chức lại.
Trong quá trình tố tụng theo Chương 11, tòa án sẽ giúp doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ và nghĩa vụ của mình. Trong hầu hết các trường hợp, công ty vẫn hoạt động.
Doanh nghiệp đang trong quá trình nộp đơn Chương 11 có thể tiếp tục hoạt động. Trong hầu hết các trường hợp, con nợ, được gọi là “con nợ sở hữu”, điều hành công việc kinh doanh như bình thường. Tuy nhiên, trong các trường hợp liên quan đến gian lận, không trung thực hoặc kém năng lực, người được tòa án chỉ định (quản tài viên) sẽ tiến hành điều hành công ty trong toàn bộ quá trình hoàn thành thủ tục phá sản.
Doanh nghiệp không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào mà không có sự cho phép của tòa án, bao gồm việc bán tài sản (ngoại trừ hàng tồn kho), việc bắt đầu hoặc chấm dứt hợp đồng cho thuê, và ngừng hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. Tòa án cũng có quyền kiểm soát các quyết định liên quan đến việc thuê và trả tiền cho luật sư cũng như ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp.
Trong Chương 11, doanh nghiệp nộp đơn có quyền là chủ thể đầu tiên đề xuất một kế hoạch tổ chức lại. Kế hoạch này có thể bao gồm việc giảm quy mô hoạt động kinh doanh để giảm chi phí, cũng như việc thương lượng lại các khoản nợ, trong một số trường hợp bao gồm cả việc thanh lý tất cả tài sản để trả nợ cho các chủ nợ. Nếu kế hoạch có tính khả thi và công bằng, tòa án sẽ chấp nhận và các bước tiếp theo sẽ được triển khai.